Trong giai đoạn gần đây, phương pháp giáo dục STEM đang dần phổ biến và được nhiều người biết đến hơn. Phương pháp STEM đã trở thành một xu thế. Đa số các trường học đều quảng cáo rầm rộ rằng họ đã áp dụng STEM vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì chúng tôi phát hiện định nghĩa về STEM của họ hoàn toàn không giống nhau.
Vì vậy, để giúp mọi người có cái nhìn đúng về định nghĩa giáo dục STEM chúng tôi xin phân tích lại về STEM dựa trên các góc nhìn từ các chuyên gia giáo dục ở Mỹ.
Mục lục
Giáo dục STEM là gì?
STEM là từ viết tắt của 4 chữ: Science, Technology, Engineering và Mathematics. Dịch ra tiếng việt, chúng được hiểu là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Theo Hiệp hội NSTA tại Mỹ, định nghĩa giáo dục STEM được xác định như sau:
“Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành để học tập. Trong đó, các khái niệm học thuật được ứng dụng vào các thí nghiệm thực tế. Có nghĩa là, học sinh sẽ áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể. Giáo dục STEM giúp tạo kết nối thống nhất giữa trường học, cộng đồng, cơ quan và tổ chức toàn cầu. Chúng cho phép học sinh phát triển kỹ năng đọc viết STEM. Cùng với đó, nguồn nhân lực sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trong nền kinh tế mới”
Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về khái niệm trên.
- Xem thêm: STEM là gì?
Tiếp cận liên ngành để học tập
Có nhiều người bị nhầm giữa “liên ngành” và “đa ngành”. Trên thực tế 2 khái niệm này hoàn toàn khác biệt. Đa ngành chỉ đơn giản là việc giảng dạy nhiều môn học khác nhau, còn liên ngành ở đây được định nghĩa là sự liên kết giữa các ngành lại với nhau. “Liên ngành” sẽ lồng ghép kiến thức một cách sinh động để tạo hứng thú học tập cho các em.
Một ví dụ cụ thể về liên ngành đó là ứng dụng về học lực cân bằng của vật thể. Bài học này được thực hiện thông qua bài học chế tạo bình giữ thăng bằng rau củ. (Nguồn: Táy máy tò mò)
Kết nối thống nhất giữa trường học và các cơ quan
Trong thời đại hiện nay, việc tìm kiếm và chia sẻ thông tin cũng trở nên dễ dàng hơn. Điều quan trọng của phương pháp giáo dục STEM là việc ứng dụng kiến thức vào thực tế phải phù hợp với các vấn đề vĩ mô. Giáo dục STEM không nhắm riêng vào địa phương cụ thể nào cả. (Ví dụ: Các vấn đề như biến đổi khí hậu, môi trường,.. )
Vậy, bạn đã hiểu đúng về định nghĩa giáo dục STEM chưa? Việc quan trọng kế tiếp là làm thế nào để áp dụng việc dạy cho trẻ hiệu quả. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu một số cách để các bậc phụ huynh dạy cho bé tại nhà.
Cách ứng dụng phương pháp STEM vào dạy trẻ tại nhà hiệu quả
Giảng dạy bằng phương pháp STEM cho trẻ độ tuổi chưa đến trường
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu giảng dạy STEM cho trẻ. Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng các bé còn quá nhỏ để học và phát triển tư duy. Nhưng, đó là lối suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Khi trẻ còn trong độ tuổi chưa đến trường, điều quan trọng là cần rèn luyện thái độ tự tin cho trẻ. Trẻ em vốn dĩ rất muốn khám phá mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Vì vậy, bạn hãy tạo cơ hội để chúng có thể phát triển tốt hơn. Cụ thể, bạn có thể cung cấp những món đồ chơi thú vị cho trẻ mới biết đi. Thông thường, các đồ vật thật như quả táo, giấy họa tiết, chai nước,.. sẽ gây hứng thú cho các bạn nhỏ nhiều hơn là các đồ chơi bằng nhựa thông thường.
Giảng dạy bằng phương pháp STEM cho trẻ mẫu giáo và tiểu học
Khi trẻ bắt đầu đến trường, bạn có thể bắt đầu chuyển sang dạy bé bằng các phương pháp khoa học có tính logic. Bạn có thể để bé trả lời câu hỏi hoặc tự giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Cụ thể:
Đặt câu hỏi mở và cùng bé giải quyết vấn đề
Bắt đầu với một câu hỏi quen thuộc: “Cái nào chạy nhanh hơn? Xe đua đồ chơi hay xe tải đồ chơi của con?”. Sau đó bạn và bé cùng nhau giải quyết câu hỏi, làm thế nào để biết được xe nào chạy nhanh hơn, đưa ra ý kiến bật công tắc và để 2 xe chạy đua chẳng hạn.
Để bé đưa ra giả thuyết và tự thử nghiệm
Hãy thử nói chuyện với bé giống như cách thức nhà khoa học nghiên cứu một vấn đề. Đầu tiên, phải đưa ra phỏng đoán rồi thí nghiệm, rút ra kết luận.
Trước khi kiểm tra hai loại xe, bạn hãy hỏi bé xem bé nghĩ cái nào nhanh hơn (đưa ra phỏng đoán). Sau đó, bạn hãy cung cấp các vật liệu cần thiết để bé kiểm tra phỏng đoán của mình. Bạn có thể gợi ý một số cách thí nghiệm như: so sánh tốc độ trên các nền khác nhau như nền vỉa hè, trên thảm,…
Dạy trẻ ghi lại những điều đã học được
Ngoài ra, bạn hãy dạy cho trẻ thói quen ghi lại những phát hiện hằng ngày mà bé khám phá được. Hãy khuyến khích các bé vẽ ra các bức tranh để mô tả những gì đã xảy ra trong thí nghiệm, hoặc ghi lại các kết quả thí nghiệm,… Đây cũng là cách để phát triển tư duy logic cho trẻ.
Dạy trẻ chấp nhận thất bại
Một trong những kỹ năng khác cần dạy cho trẻ chính là tinh thần dám thất bại. Đây chính là phần quan trọng nhất của việc dạy học. Bạn hãy hỏi con bạn rằng bé đã học được những gì thông qua thí nghiệm. Và, nếu thí nghiệm đó thất bại, thì bạn hãy dạy trẻ rằng mọi thứ có thể sẽ không bao giờ như những gì chúng ta chờ đợi. Trẻ phải tự tìm ra hướng mới để giải quyết vấn đề, không nên chìm đắm trong sự thất bại.
Kết luận
Đương nhiên, trên đây chỉ là một số gợi ý nhỏ để bạn giúp bé phát triển tư duy khoa học tại nhà. Trên thực tế, bạn có thể sẽ áp dụng được nhiều hướng giảng dạy của phương pháp STEM mới, tùy vào hoàn cảnh và thời gian cụ thể. Bạn hãy tập trung dạy cho bé xoay quanh 2 chủ đề chính: “hãy giải quyết vấn đề cụ thể nào đó” hoặc “suy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra” (phỏng đoán). Đây chính là cách tốt nhất để phát triển tư duy sáng tạo khoa học cho bé.