Ở lứa tuổi mẫu giáo, những hoạt động chính trong ngày của các bé chủ yếu là chơi đùa, khám phá. Thông qua những trò chơi mầm non, trẻ có thêm được nhiều cơ hội để lĩnh hội và rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết một cách đầy tự nhiên và hứng thú. Nhờ phương pháp đặc biệt này mà hiệu quả giáo dục đem lại cao hơn nhiều so với các hình thức khác. Và hôm nay, Ohstem Education tiếp tục giới thiệu đến ba mẹ và các cô giáo 4 trò chơi mầm non được các bé yêu thích và thú vị nhất.
-
Mục lục
Trò chơi mầm non: Nu na nu nống
Chuẩn bị:
Trước khi bắt đầu trò chơi mầm non này, hãy dạy các bé đọc thuộc bài đồng dao dưới đây:
Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở cuộc thi đua
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống
Hoặc bài đồng dao khác:
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Bụt ngồi bụt khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tay xoè chân rụt
Cách chơi:
Đầu tiên, xếp các bé ngồi thành một hàng bên nhau, duỗi thẳng chân ra, vừa nhịp tay vào đùi vừa cùng nhau đọc bài đồng dao. Mỗi từ trong bài đồng dao sẽ tương ứng với một cái đập nhẹ vào một chân của một bé. Bắt đầu từ từ đầu tiên của bài đồng dao là “nu” và lần lượt đập nhẹ vào chân các bé theo từng từ cho đến khi đến từ cuối cùng của bài đồng dao là từ “trống”. Chân của đúng vào từ “trống” thì bé đó sẽ co 1 chân lại, ai co hết hai chân đầu tiên sẽ là người về nhất, bé co đủ hai chân thứ hai sẽ về nhì… và lần lượt cho đến người còn lại cuối cùng sẽ là người thua cuộc. Sau khi ra một hình phạt nhỏ cho bé thua cuộc thì trò chơi lại bắt đầu lại từ đầu.
-
Trò chơi: Con thỏ ăn cỏ
Chuẩn bị:
Đầu tiên, ba mẹ nên dạy bé các ký hiệu cơ thể tương ứng với các câu hiệu lệnh:
“Con thỏ”: Làm dấu “Hi” và đưa 2 bàn tay lên ngang đầu.
“Ăn cỏ”: Một tay làm bát, một tay làm thìa và giả vờ đưa thức ăn vào miệng.
“Uống nước”: Chụm tay thành hình trụ và đưa lên miệng giả vờ uống nước ực ực.
“Vào hàng”: Đưa tay vào tai.
Cách chơi:
Các ba mẹ hoặc cô giáo sẽ đóng vai làm người quản trò trong trò chơi mầm non này và ra hiệu lệnh cho các bé làm theo. Mỗi hiệu lệnh được đưa ra, các bé phải sử dụng các ký hiệu cơ thể sao cho chính xác, nếu sai sẽ bị loại và người cuối cùng là người chiến thắng. Ví dụ:
Quản trò: Đưa bàn tay lên đầu hô “Con thỏ”.
Bé: Làm động tác và lặp lại theo lời quản trò “Con thỏ”.
Quản trò: Làm điệu bộ ăn và hô “Ăn cỏ”.
Bé: Làm theo và nói “ăn cỏ”.
…
Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi tìm ra được bé thắng cuộc. Phụ huynh và các cô chú ý, phải làm dần dần từ chậm đến nhanh và có thể làm giả hiệu lệnh như làm một kiểu và nói một kiểu để tăng độ tập trung và nhạy bén cho trẻ.
>> Bài viết liên quan: 8 trò chơi cho trẻ mầm non tập thể
-
Trò chơi: Tìm người nhà
Chuẩn bị
Hãy chuẩn bị cho mỗi bé một hình tròn hoặc tam giác bất kỳ.
Cách chơi
Phát cho mỗi bé một hình tròn hoặc tam giác. Sau đó chia các bé thành 2 nhóm theo các khối hình: hình tròn, tam giác. Hãy gọi một bé lên và hỏi xem thẻ của con có hình gì, sau đó hãy cho bé quan sát và tìm đến nhóm “người nhà” của mình.
Khi bé đã xác định được đâu là nhóm của mình, hãy bịt mắt trẻ lại rồi cho trẻ đi tìm “người nhà” của mình theo tiếng vỗ tay và tiếng gọi: “Chúng tôi ở đây”. Trò chơi sẽ tiếp tục cho đến khi bé tìm được đội của mình và sau đó tương tự với các nhóm khác, chỉ cần đổi vị trí đứng và đổi các hình cho nhau.
>>Ba mẹ có thể quan tâm: Tầm quan trọng của giáo dục sớm cho trẻ
-
Các trò chơi mầm non giúp trẻ phát triển trí tuệ
Ngoài những trò chơi tập thể có tính rèn luyện phản xạ và tinh thần đoàn kết, ba mẹ có thể cho các bé chơi một số trò chơi mầm non giúp trẻ phát triển trí tuệ khác. Những trò chơi hàng ngày mà bạn tưởng chừng như nó rất đơn giản và không cần phải tư duy gì lại có thể giúp bé phát triển một cách vượt bậc đó. Hãy cùng tìm hiểu các trò chơi mầm non như:
- Chơi cát: Ba mẹ thường sợ con bị bẩn nên không cho các bé nghịch cát. Đừng quá lo, hãy cứ để các con tự do chơi đùa và sáng tạo với đống cát. Từ trong trí tưởng tượng còn thơ ngây ấy, bé có thể xây nên những lâu đài cát, ngọn núi, đào hang, xây cầu, làm đường,…
- Gấp giấy: Đây là hoạt động vui chơi khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả và vô cùng phong phú. Từ một tờ giấy nhỏ, qua đôi bàn tay nhỏ bé, khéo léo của mình bé có thể gấp thành những chiếc quần áo, thuyền, máy bay hay các con vật có hình thù khác nhau. Gấp mô hình bằng giấy vừa giúp bé rèn luyện độ kiên trì, khéo tay lại giúp con tăng khả năng tư duy, sáng tạo mỗi khi muốn gấp ra hình mới.
- Chơi nước: Trẻ nhỏ đặc biệt rất thích nghịch nước, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh lại sợ con sẽ bị ốm nên thường không cho bé chơi. Đừng quá lo lắng như vậy, hãy tạo điều kiện cho con được vui chơi thỏa thích. Ba mẹ có thể cho nước vào chậu hay bể bơi rồi thả các món đồ chơi như phao, bóng, con vịt nhựa hay thổi bóng xà phòng cho bé chơi. Tuy đây là một trò chơi mầm non đơn giản nhưng nó lại mang đến hiệu hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ.
>>Ba mẹ có thể tham khảo thêm: Tổng hợp 9 trò chơi vui nhộn cho trẻ mầm non
Lời kết
Trên đây là gợi ý của chúng tôi về 4 trò chơi mầm non được bé yêu thích nhất hiện nay mà ba mẹ nên biết. Ở độ tuổi này, trẻ cần nhiều sự quan tâm và dạy dỗ từ ba mẹ. Vậy nên đừng quá tham công tiếc việc, bỏ bê con cái mà hãy dành nhiều thời gian để chơi cùng các con để giúp các con học tập và phát triển toàn diện nhất ba mẹ nhé! Hy vọng các trò chơi mầm non mà Ohstem Education giới thiệu ngày hôm nay sẽ giúp gia đình bạn luôn ngập tràn niềm vui và tiếng cười mỗi khi quây quần bên nhau.
Để tìm hiểu thêm về các đồ chơi, giáo cụ STEAM cho bé, vui lòng liên hệ OhStem qua:
- Fanpage: https://www.facebook.com/ohstem.aitt
- Hotline: 08.6666.8168
- Youtube: https://www.youtube.com/c/ohstem
OhStem Education – Đơn vị cung cấp công cụ và giải pháp giáo dục STEAM cho mọi lứa tuổi tại Việt Nam