Khi tìm hiểu về lập trình Arduino, IoT hay lập trình vi điều khiển, ta dễ dàng bắt gặp các bài viết hướng dẫn sử dụng ESP8266, ESP32. Tuy nhiên, không có nhiều người biết rằng ban đầu ESP8266 chỉ được biết đến là một WiFI module, có chức năng hỗ trợ board điều khiển chính, điển hình là các board mạch Arduino giao tiếp WiFi, tính năng này rất cần thiết trong các giải pháp IoT.
Nhờ giá thành thấp và hiệu suất tốt, ESP8266 thu hút được số lượng người dùng lớn, hãng sản xuất module này là Espressif Systems đã phát hành một bộ SDK, giúp ESP8266 hoạt động như một vi điều khiển riêng biệt chứ không còn là một module hỗ trợ giao tiếp WiFi cho một vi điều khiển khác như trước đó.
Khi được sử dụng như một vi điều khiển riêng biệt, ESP8266 có những hạn chế nhất định về chức năng, cấu hình, số lượng GPIO ít, không đủ đáp ứng nhiều yêu cầu cùng lúc trong hệ thống… Và ESP32 ra đời giúp giải quyết các hạn chế đó.
Ngoài chức năng giao tiếp WiFi và cấu hình vượt trội hơn hẳn so với ESP8266, ESP32 còn có một số chức năng nổi bật khác như giao tiếp Bluetooth, hoạt động ở chế độ tiết kiệm năng lượng. Với giá thành hợp lý, thông số ấn tượng, tích hợp nhiều chức năng, hỗ trợ nhiều chuẩn giao tiếp và nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, ESP32 đang ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.
Trong khóa học này chúng ta sẽ cũng tìm hiểu rõ hơn chức năng của ESP32 với kit lập trình Yolo:Bit.
Yolo:Bit là một máy tính mini, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn sử dụng, làm quen với lập trình.
Sử dụng chip điều khiển chính ESP32, Yolo:Bit hỗ trợ người dùng giao tiếp, trao đổi dữ liệu qua WiFi, Bluetooth. Bên cạnh đó, phần cứng Yolo:Bit còn được tích hợp sẵn loa, 2 nút nhấn, 3 loại cảm biến, đặc biệt nhất phải kể đến là 25 đèn LED được bố trí thành ma trận 5×5 có chức năng như một màn hình có thể hiển thị nhiều thông tin.
Ngoài hỗ trợ lập trình kéo thả, thích hợp cho trẻ em làm quen với lập trình, Yolo:Bit còn hỗ trợ ngôn ngữ lập trình MicroPython, firmware mới nhất của Yolo:Bit hiện đã đi kèm thư viện hỗ trợ ngôn ngữ này.
Cùng tìm hiểu chi tiết cách làm việc với Yolo:Bit và MicroPython trong các bài học tiếp theo nhé!! 😀